Để Bến Cát sớm thành “bến vàng”

Monday, March 11, 2013

Quốc lộ 13 xuyên qua huyện Bến Cát (Bình Dương) xưa kia vốn là con đường nhựa chỉ có 2 làn xe, ngày nay đã là đại lộ Bình Dương với 6 làn xe thênh thang cùng với những khu công nghiệp (KCN) hoành tráng, những khu đô thị mới sầm uất! Từ một huyện thuần nông, Bến Cát đã vươn lên thành vùng đất công nghiệp hiện đại…
Ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND huyện nhớ lại, 20 năm sau ngày thống nhất, đời sống người dân vẫn chưa khá giả. Nhờ chủ trương đúng đắn, Bến Cát từ một huyện trọng điểm lúa, cây cao su, cây công nghiệp ngắn ngày trở thành vùng đất công nghiệp phát triển với tốc độ cao của Bình Dương.
* Đi tắt đón đầu
Đến nay, huyện đã có 11 KCN với tổng diện tích trên 5.100 hécta. Những cái tên KCN Việt Hương 2, Mai Trung, Asendas-Protrade và An Tây, KCN VSIP 2, Mỹ Phước 3... đang là niềm tự hào của Bình Dương...
Đại lộ Bình Dương qua khu vực Bến Cát hiện đã có  6 làn xe.
Đại lộ Bình Dương qua khu vực Bến Cát hiện đã có 6 làn xe.
Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt và việc cải cách thủ tục hành chính, các KCN ở đây đã nhanh chóng lấp đầy diện tích và trở thành những địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư. Có thể kể đến các dự án có vốn FDI lớn đang đầu tư tại Bến Cát, như: Khu đô thị sinh thái Ecolakes (vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD); Công ty TNHH kinh doanh đô thị Mapletree (Singapore) có vốn đầu tư 400 triệu USD; Công ty TNHH Kumho Tires vốn đầu tư là 380 triệu USD; Công ty giấy Graft VINA (Thái Lan) vốn đầu tư 180 triệu USD...  Các KCN này đã thu hút 1.189 dự án, trong đó có 723 dự án đầu tư trong nước và 466 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 4.310 tỷ đồng và trên 3 tỷ USD.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hoàng Châu cho rằng: Bước ngoặt chuyển biến của huyện là khi tái lập tỉnh Bình Dương năm 1997 và sau khi thực hiện chủ trương “đưa công nghiệp về các huyện phía Bắc” của Tỉnh ủy Bình Dương. Lãnh đạo Bến Cát với sức trẻ năng động đã nắm bắt thời cơ, chủ động và mạnh dạn chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông công nghiệp - dịch vụ thương mại công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.
* Đi sau về trước
Là địa phương “đi sau” so với các huyện phía Nam của tỉnh Bình Dương trong “làm công nghiệp”, Bến Cát rút được nhiều kinh nghiệm để có bước đi phù hợp.
Từng bước phân vùng quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị có bước đi hợp lý. Điều quan trọng là quá trình phát triển công nghiệp của huyện được hầu hết người dân đồng thuận, nhất là việc chấp hành giải tỏa giải phóng mặt bằng.
Gắn liền với phát triển các KCN, huyện cũng sớm quy hoạch các khu dân cư, đô thị cùng các khu tái định cư để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, theo hướng công nghiệp hóa - đô thị hóa, nhất là người dân các vùng bị giải tỏa đất để họ “ly nông bất ly hương”.
Về Bến Cát hôm nay, có thể đến với 23 khu dân cư quy hoạch trên diện tích hơn 5.200 hécta, như: Khu đô thị Bàu Bàng, Khu đô thị Mỹ Phước... Huyện cũng đã có 3 siêu thị, 14 chợ, trên 10 phòng giao dịch của các ngân hàng, gần 10 ngàn đơn vị, hộ kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Nông nghiệp Bến Cát phát triển bền vững với chủ trương chuyển dịch và bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai và điều kiện canh tác của địa phương. Toàn huyện hiện có trên 32 ngàn hécta cao su; hơn 8 ngàn hécta cây ăn trái, hơn 400 trang trại...
Mức tăng trưởng bình quân hàng năm 26,5%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm  qua tăng bình quân 41%/năm, chiếm tỉ trọng 82,7% trong cơ cấu, thu nhập bình quân đầu người trên 35 triệu đồng/năm, số hộ nghèo chỉ còn 1,27%... là những con số thật ấn tượng.
Đi sau về trước trong quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa của Bình Dương, nhưng “Bến Cát sẽ sớm trở thành bến vàng”.
Quách Lắm
Theo Báo Bình Dương


Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Các tin liên quan khác

Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn