TP.Hồ Chí Minh và 3 định hướng phát triển

Sunday, June 7, 2015
Để các doanh nghiệp (DN) có cơ sở ra quyết định đầu tư và người dân có căn cứ mua, sở hữu nhà ở, Trung tâm Thông tin Quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã chỉ ra 3 định hướng phát triển của TP.HCM, cũng như những định hướng phát triển trong tương lai.


Đồ án quy hoạch chung của TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần thứ 3, lần lượt vào các năm 1993, 1998 và 2010. Có thể vào năm 2016, TP.HCM sẽ nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch lần thứ tư, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án nhà ở. Xuyên suốt 3 đồ án quy hoạch, TP.HCM nhất quán trong một số định hướng.

1. TP.HCM là thành phố đa trung tâm

Cách đây một vài năm, định nghĩa này còn gây không ít băn khoăn, chưa rõ ý nhưng hiện nay, với sự tham gia mạnh mẽ của của các DN bất động sản (BĐS) thì bóng dáng các trung tâm phụ của TP dần hình thành. Một trong những trung tâm mới cấp thành phố khá thành công là Khu A Phú Mỹ Hưng (quận 7).

Ngoài ra, còn có thêm 3 trung tâm khác ở huyện Bình Chánh, phía Bắc TP - thuộc Khu đô thị Tây Bắc và quận 9. Những khu trung tâm này phát triển theo hướng đa chức năng với đầy đủ các dịch vụ như thương mại, nhà ở, y tế, giáo dục... tạo nên những đô thị lớn - nhỏ, phát triển cùng với quy hoạch của TP.

2. TP.HCM được định hướng là đô thị đa chức năng.

Theo đó, TP không chỉ lấy công nghiệp làm nền tảng phát triển mà dịch vụ cũng là lĩnh vực không kém phần quan trọng. Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, dịch vụ bao gồm 12 lĩnh vực, cụ thể là tài chính - ngân hàng, vận tải, văn hóa giải trí, y tế...

Sự hình thành các lĩnh vực này cần các công trình hạ tầng, tạo nhu cầu về việc làm, thu hút đông dân cư nên sinh ra nhu cầu về các dự án BĐS dịch vụ, nhà ở, công nghiệp.

Chẳng hạn, sắp tới đây, TP có những bệnh viện mới, cấp quốc gia như Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhi Đồng hình thành ở các hướng của TP, hoặc sự xuất hiện của các khu đa chức năng như khu công nghệ cao với hàng chục nghìn chuyên gia vào làm việc sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về nhà ở.

3. TP.HCM có nhiều hướng phát triển

Không chỉ đơn thuần là hướng Đông - Đông Bắc với quận 2, 9, Thủ Đức được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở trong thời gian qua, sự phát triển của TP còn tập trung về hướng Bắc, với quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi có quỹ đất lên đến 10.000ha.

Nếu Khu A Phú Mỹ Hưng 350ha phát triển 20 năm nay vẫn chưa hết thì 10.000ha này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công trình thương mại, dịch vụ, công nghiệp hình thành. Trong khi đó, hướng Nam có quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ, với lõi phát triển thời gian qua nằm ở quận 7 và một phần huyện Nhà Bè... Riêng hướng Tây TP là khu vực thu hút một lượng lớn lao động nhập cư.

Dù đây là hướng chưa được đầu tư đúng mức về hạ tầng cơ sở và chưa hẳn là hướng ưu tiên của TP trong ngắn hạn nhưng cửa ngỏ phía Tây của TP (quận 6, Bình Tân,...) - nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy, khu công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa khá nhanh và người dân có nhu cầu về nhà ở khá lớn. Đây là điều kiện để các DN BĐS xem xét đầu tư các dự án nhà ở và các công trình tiện ích phục vụ cư dân.

Điểm nhấn từ tuyến Metro

Trong định hướng sắp tới, đứng ở góc độ TP, chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào việc tạo ra các cơ chế huy động vốn để tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải như: các trục giao thông kết nối liên vùng, tàu điện ngầm (Metro). TP.HCM quy hoạch 6 tuyến Metro, hiện nay, song song với tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Đông TP) đang được thi công thì tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng được khởi động. Để phát huy tối đa về mặt phát triển đô thị, hiệu quả kinh tế của các tuyến Metro, TP đã ưu tiên cho những DN xây dựng công trình BĐS trong vòng bán kính 400m tính từ tâm ga Metro, thông qua việc xem xét tăng hệ số sử dụng đất.

Thêm nữa, TP cũng tập trung phát triển liên kết vùng, làm sao mở rộng không gian kinh tế của người dân. Bởi, thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều nhân sự, DN từ TP.HCM tới Bình Dương, hoặc Đồng Nai xây dựng cơ sở sản xuất, làm việc nên phải tính đến chuyện đầu tư hạ tầng liên kết nhằm tạo thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Cuối cùng là việc cải tạo nội thành, TP sẽ xem xét, di dời những nhà máy ô nhiễm, kho tàng, bến bãi chưa khai thác hiệu quả để có hướng giải quyết hợp lý.



HUỲNH XUÂN THỤ - Giám đốc Trung tâm Thông tin Quy hoạch Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM (NGUYÊN BẢO ghi)


Các tin liên quan khác

Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn