Những đại gia mới nổi trong lĩnh vực địa ốc

Wednesday, July 29, 2015
Những năm 2007 - 2010, thị trường bất động sản Việt Nam từng phát triển quá nhanh, đã tạo ra số lượng “đại gia” bất động sản “giàu xổi” rất lớn.



Thị trường bất động sản sau khi hồi phục trở lại đã sản sinh ra lớp đại gia mới với nhiều chiến lược kinh doanh táo bạo

Thế nhưng, khi bong bóng vỡ, tài sản của nhiều đại gia nổi nhanh vì địa ốc cũng “xẹp” đi nhanh chóng. Trong cơn bĩ cực của thị trường bất động sản, có không ít đại gia địa ốc thuở nào rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần, thậm chí vướng lao lý, tù tội.

Từ năm 2011 đến nay, thị trường địa ốc bước vào giai đoạn khó khăn, nhưng chính trong bối cảnh này, xuất hiện nhiều gương mặt mới nổi, táo bạo phát triển những dự án lớn, giúp khối tài sản của họ ngày một tăng lên.
 
.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết
Đại gia Trịnh Văn Quyết
Tại Hà Nội, đại gia mới nổi trong lĩnh vực địa ốc gần đây không thể không nhắc đến ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết sinh năm 1975 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, từng theo học nghề điện tử, rồi học Luật và thành lập Văn phòng luật sư SMIC.

Năm 2008, khi thị trường bất động sản Hà Nội đang bước lên đỉnh của cơn sốt, ông Quyết cũng giống nhiều doanh nhân trẻ tuổi khi ấy, lao vào lĩnh vực bất động sản bằng việc thành lập FLC Group, chuyên phát triển dự án bất động sản.

Nhập cuộc chơi bất động sản đúng lúc thị trường sôi động nhất, doanh nghiệp của ông Quyết đã gặt hái một số thành công tại dự án đầu tay FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ (Quận Nam Từ Liêm). Thế nhưng, sự suy thoái của thị trường đã khiến FLC từng khốn đốn với dự án đầu tay này, vì tuy Dự án đã hoàn thiện, nhưng Doanh nghiệp không thể thu được tiền từ khách hàng, bởi một bộ phận không nhỏ khách hàng là những nhà đầu tư, đầu cơ, cũng đang gặp khó khăn về vốn.

Vượt qua khó khăn tại FLC Landmark Tower, ông Quyết thâu tóm hàng loạt khu “đất vàng” của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Hầu hết các lô đất FLC mua lại đều trở thành “hàng nóng” hoặc có xu hướng sẽ trở thành “hàng nóng” của thị trường, như: Dự án FLC 36 Phạm Hùng, Dự án FLC Garden City Đại Mỗ, Dự án FLC Star Tower Lê Trọng Tấn (Quận Hà Đông).

Hoạt động thâu tóm, mua lại các lô đất có vị trí đắc địa đến nay vẫn được ông Quyết thực hiện, khi mới đây, khu đất vàng tại số 265 Cầu Giấy đã được FLC mua lại để triển khai tòa tháp đôi có vốn đầu tư dự kiến trên 5.000 tỷ đồng.

Ngoài Hà Nội, FLC Group cũng đang là chủ đầu tư nhiều dự án với vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ tại nhiều địa phương khác nhau, như: Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), với vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng; Dự án FLC Quy Nhơn (Bình Định) với quy mô gần 300 héc ta, vốn đầu tư là 3.500 tỷ đồng, …

Việc ông Trịnh Văn Quyết thâu tóm hàng loạt khu đất, đầu tư hàng loạt dự án với vốn đầu tư nghìn tỷ khiến không ít người nghi ngờ về năng lực triển khai dự án của FLC. Thế nhưng, phần lớn dự án FLC đầu tư, triển khai đến thời điểm này đều có tiến độ lẫn “đầu ra” khá tốt. Điều này cho thấy, FLC đang ngày càng lớn mạnh cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản.
.
Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch CTCP Đại Quang Minh


Trần Đăng Khoa - Đại gia kín tiếng

Là một nhân vật đình đám trong giới bất động sản, nhưng ông Trần Đăng Khoa dường như đứng sau mọi ồn ào, thị phi của thị trường. Trong những năm qua, ông ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, dù nhiều dự án bất động sản ông tham gia thực hiện và làm chủ đầu tư đã và đang trở thành biểu tượng của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, ông Trần Đăng Khoa được giới địa ốc biết đến với vai trò trợ lý của Chủ tịch Công ty Keangnam Vina, chủ đầu tư của tổ hợp Dự án Keangnam Hà Nội. Sau đó, là vai trò Chủ tịch CTCP Đầu tư Mai Linh, chủ đầu tư Dự án Golden Palace Mễ Trì và là ông chủ của CTCP Bất động sản Hồng Ngân.

Là chủ đầu tư Dự án Golden Palace gồm 3 tòa tháp, với 1.000 căn hộ, việc triển khai kéo dài vài năm, với nhiều lùm xùm, nhất là vụ tranh chấp thương hiệu Golden Palace với Công ty HUD 3, nhưng chưa bao giờ ông Trần Đăng Khoa xuất hiện trên báo chí. Bởi vai trò truyền thông và điều hành của Công ty, đều do vợ ông là bà Nguyễn Thị Minh Hồng đảm nhiệm.

Thời gian qua, ông Khoa có xu hướng co hẹp hoạt động tại thị trường Hà Nội nên đã bán phần lớn cổ phần và chuyển nhượng các dự án do Bất động sản Hồng Ngân làm chủ đầu tư cho đối tác là một công ty con thuộc Vingroup.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư Mai Linh lại có xu hướng phát triển thương hiệu Golden Palace tại Hà Nội, khi doanh nghiệp này tiếp tục triển khai một dự án lớn khác trên đường Lê Văn Lương, cũng mang tên Golden Palace. Đồng thời tiếp tục mở rộng đầu tư bất động sản bằng việc xin đầu tư Dự án tổ hợp tháp dầu khí, với vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD tại Xã Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm.

Khá kín tiếng tại Hà Nội, song ông Trần Đăng Khoa lại nổi tiếng tại thị trường phía Nam khi tham gia sáng lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT và nắm đến 17% cổ phần của CTCP Đại Quang Minh, doanh nghiệp đang tham gia thực hiện những dự án cực kỳ lớn tại Bán đảo Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, doanh nghiệp này đang tham gia thực hiện nhiều dự án hạ tầng quan trọng như: Cầu Thủ Thiêm 2, tuyến đường R1,R2,R3, R4 trên Bán đảo Thủ Thiêm, phát triển dự án tại nhiều lô đất, trong đó, dự án lớn nhất Đại Quang Minh đang làm chủ đầu tư là Khu đô thị cao cấp Sala, quy mô lên đến 130 héc ta tại Bán đảo Thủ Thiêm. Dự án này đã bắt đầu mang lại trái ngọt khi bán được những sản phẩm đầu tiên ra thị trường.

Việc giá bất động sản tại Bán đảo Thủ Thiêm tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây đã khiến cái tên Đại Quang Minh, Trần Đăng Khoa được nhiều người biết tới.
.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch VID Group


Ẩn số “bà trùm”

Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, VID Group do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, hiện đang là chủ đầu tư của 8 khu công nghiệp lớn trên cả nước, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.

Mặc dù lĩnh vực đầu tư chính là phát triển khu công nghiệp, tuy nhiên, VID Group cũng đang chuyển hướng dần sang lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, mới đây, VID Group của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã góp tới 60% vốn tại CTCP Bất động sản Hanovid để triển khai Dự án tổ hợp Goldsilk Complex tại Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông.

Ngoài ra, bà Hường cũng được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings, đơn vị được cho có cổ phần lớn tại CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần bao nhiêu, mức độ chi phối đối với công ty này như thế nào đến nay vẫn là ẩn số chưa được công bố.

Được biết, TNR Holdings Việt Nam hiện nay chính là đơn vị quản lý và phát triển Dự án Goldmark City, có quy mô 5.000 căn hộ cao cấp, do Công ty địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư. Trước đó, Dự án đã bị “đắp chiếu” trong nhiều năm và chỉ được khởi động trở lại khi có sự tham gia của TNR Holdings.

Dự án thứ hai TNR Holdings tham gia quản lý và phát triển là Dự án Goldsilk Complex, Quận Hà Đông. Mới đây, TNR Holdings đã trở thành đơn vị quản lý và phát triển Dự án Gold View tại Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù chưa thể thống kê hết các dự án, khu đất mà doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đứng tên, góp cổ phần mua lại và được quyền phát triển, nhưng chỉ mới bước đầu đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, dấu ấn của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trên thị trường đã khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Vn Bất Động Sản  - Theo Báo Đầu Tư


Các tin liên quan khác

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn