Chủ tịch UBND huyện Bến Cát Nguyễn Hữu Chí: Tách huyện mới sẽ tạo thêm cơ hội mới

Monday, March 11, 2013
Cùng với huyện Tân Uyên, huyện Bến Cát sẽ thực hiện lộ trình chia tách huyện theo tinh thần Nghị quyết 108-NQ/TU ngày 22-8-2012. Việc tách huyện sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân? Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi nhanh với Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, Nguyễn Hữu Chí bên lề kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII.

- Thưa ông, lộ trình chia tách huyện Bến Cát theo nghị quyết của Tỉnh ủy đến nay đã thực hiện đến đâu?

- Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, lộ trình của UBND tỉnh thành lập đơn vị hành chính mới đã được thông qua cách đây vài năm, việc này cũng được huyện Bến Cát chấp hành nghiêm túc. Ngày 1-11-2012, Bộ Xây dựng đã có quyết định nâng cấp đô thị Nam Bến Cát lên đô thị loại 4. Tất cả công việc liên quan đến việc chia tách hiện đã hoàn tất. Theo quy định, một năm nữa chúng ta có thể đề xuất với Chính phủ quyết định tách huyện Bến Cát ra để thành lập TX.Bến Cát và huyện mới Bàu Bàng.

- Khi tách huyện Bến Cát thành 2 huyện mới sẽ đem lại cơ hội gì cho cả 2 huyện?

- Khi tách huyện Bến Cát thành 2 huyện mới sẽ làm cho 2 đơn vị hành chính mới mạnh hơn, có cơ sở thu hút đầu tư và việc phát triển theo vùng sẽ giúp cho mỗi đơn vị phát huy hết tiềm năng thế mạnh của mình. Ví dụ phía bắc Bến Cát sẽ thuận lợi phát triển nông nghiệp. Hiện nay các nông trường cao su, các trang trại lớn đều nằm ở bắc Bến Cát, còn phía nam thì quá trình đô thị hóa nhanh, công nghiệp hóa cũng nhanh. Việc chia tách này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực theo hướng phân định rõ chức năng của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Từ đó, từng khu vực có điều kiện phát huy hết tiềm năng. Tôi hy vọng người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc chia tách này.

- Như vậy, Bến Cát chuẩn bị cho việc chia tách này như thế nào?

- Yếu tố quyết định thành công hay không là do con người. Hiện nay, chúng tôi đã có bước đi cụ thể, định hình các khung đào tạo bồi dưỡng để khi có quyết định của cấp trên chính thức cho chia tách thì không bị bỡ ngỡ. Hiện UBND tỉnh cũng đã có chủ trương trong năm 2013 thực hiện đầu tư cho huyện mới. Điều thuận lợi hiện nay là Bến Cát đã có quỹ đất sạch. Hy vọng với bước chuẩn bị này khi có chủ trương bộ máy sẽ chạy đều, suôn sẻ.

- Vấn đề Bến Cát còn băn khoăn là gì, thưa ông?

- Vấn đề còn lại là chuẩn bị tư tưởng cho người dân và cả cán bộ. Khi chia tách, chắc chắn có người làm việc tại vị trí cũ, có người đảm trách công việc ở huyện mới. Vấn đề nữa là giải thích, tuyên truyền cho người dân thông được mục đích, ý nghĩa của việc tách huyện và họ được hưởng lợi gì.

- Được biết, huyện đã hoàn tất khâu lấy ý kiến của người dân, ông có thể cho biết tâm tư của họ ra sao?

- Tuyệt đại đa số người dân ủng hộ phương án này. Việc đặt tên cho địa danh vùng đất mình sinh sống, người dân cũng quan tâm. Chẳng hạn có người muốn đặt tên thị trấn của huyện mới là Đồng Sổ, còn huyện là huyện Bàu Bàng. Trong khi huyện Bàu Bàng là tên mà cả thế giới đều biết, Hồ Chủ tịch cũng đã đề cập đến Bàu Bàng trong bài thơ “Chúc tết” năm 1966. HĐND huyện Bến Cát cũng vừa họp bất thường, thống nhất tên gọi thị trấn Bàu Bàng, nên huyện cũng chốt lại đặt tên huyện mới là Bàu Bàng.

- Xin cảm ơn ông!

UBND tỉnh có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua Đề án chia tách huyện Bến Cát thành lập TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng, trong đó, TX.Bến Cát có 8 đơn vị hành chính gồm 5 phường: Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa và 3 xã ngoại ô: An Điền, An Tây, Phú An. Diện tích 23.442 ha, dân số 169.253 nhân khẩu. Huyện Bàu Bàng có 8 đơn vị hành chính: Thị trấn Bàu Bàng (thị trấn huyện lỵ) và 7 xã: Lai Uyên (phần còn lại khi tách thành lập thị trấn Bàu Bàng) Lai Hưng, Cây Trường, Trừ Văn Thố, Long Nguyên, Tân Hưng, Hưng Hòa. Diện tích 33.915 ha, dân số 75.254 nhân khẩu.

UBND tỉnh cũng có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua Đề án chia tách huyện Tân Uyên thành lập TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, trong đó, TX.Tân Uyên gồm 12 đơn vị hành chính (3 thị trấn và 9 xã); chuyển 3 thị trấn Uyên Hưng, Thái Hòa, Tân Phước Khánh và 3 xã Thạnh Phước, Khánh Bình, Tân Hiệp thành phường. 6 xã ngoại ô gồm Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thạnh Hội, Bạch Đằng, Hội Nghĩa. Diện tích 19.249 ha; dân số 187.051 nhân khẩu. Huyện Bắc Tân Uyên trên cơ sở 10 đơn vị hành chính chia tách từ huyện Tân Uyên; trong đó kết hợp chia tách xã Tân Thành để thành lập thị trấn Tân Lợi và xã Tân Thành. Huyện Bắc Tân Uyên gồm 11 đơn vị hành chính gồm: thị trấn Tân Lợi và 10 xã: Tân Thành (phần còn lại khi tách thị trấn Tân Lợi) Tân Bình, Bình Mỹ, Tân Lập, Tân Định, Lạc An, Hiếu Liêm, Đất Cuốc, Thường Tân, Tân Mỹ. Diện tích 40.087 ha; dân số 60.058 nhân khẩu.

Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Các tin liên quan khác

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn