Bất động sản Tp.HCM: Khu Nam thẳng tiến

Wednesday, August 26, 2015
Sau khi khu Đông được đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng thu hút các dự án bất động sản (BĐS) thì nay đến lượt khu Nam Sài Gòn được các nhà tạo lập dự án dòm ngó. Nguyên nhân một phần liên quan đến kế hoạch xây đặc khu kinh tế của Tp.HCM tại đây.

Đón đầu đặc khu kinh tế

Vào cuối tuần qua, sau một thời gian nghiên cứu, UBND Tp.HCM đã công bố quyết định giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố là đơn vị chủ trì tiến hành nghiên cứu đề cương chi tiết cho Đề án thành lập đặc khu kinh tế của Tp.HCM, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/9/2015.

Theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM, đặc khu kinh tế sẽ được triển khai trên địa bàn quận 7 cùng với các huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ. Mục tiêu thành lập đặc khu kinh tế là nhằm tạo động lực, bước đột phá trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng… của Thành phố trong tương lai.

Thực ra, thông tin về việc thành lập đặc khu kinh tế của Tp.HCM đã được biết đến từ trước đó, nhưng quyết định vừa qua của Thành phố đã góp phần củng cố thêm niềm tin của giới đầu tư địa ốc về sự phát triển của khu Nam. Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp địa ốc đã rục rịch chuyển hướng về khu Nam Tp.HCM để săn tìm quỹ đất phát triển dự án, nhằm đón đầu quy hoạch.

Trao đổi với PV trang Đầu tư Bất động sản, vị tổng giám đốc của một doanh nghiệp BĐS tại Bình Dương cho biết, doanh nghiệp này vừa hoàn tất thương vụ mua lại một khu đất tại huyện Nhà Bè, dự kiến sẽ phát triển một dự án đất nền tại khu đất này.

Những ông lớn BĐS thường có độ nhạy cảm cao do đó thường nhanh chân hơn một bước trong việc tìm miền đất hứa. Đơn cử, Tập đoàn Novaland đã nhanh chóng mua lại Dự án Khu dân cư Trần Thái tại huyện Nhà Bè nhằm xây dựng một khu căn hộ có quy mô khoảng 1.000 căn, với tên gọi mới là Sunrise Riverside. Vào đầu tháng 8/2015, Novaland đã chính thức động thổ dự án này và cho biết thời gian sắp tới sẽ chính thức tung sản phẩm ra thị trường.


Nhiều khu đô thị lớn đã thành hình tại khu Nam Sài Gòn


Sunrise Riverside được đánh giá là dự án có vị trí khá chiến lược, nằm tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ - trục đại lộ Bắc Nam, cách trung tâm Thành phố chỉ 5 km theo hướng cầu Kênh Tẻ. Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó chủ tịch của Tập đoàn Novaland tiết lộ, ngoài dự án này, doanh nghiệp cũng đang cân nhắc mua thêm một vài dự án khác cũng tại khu vực Nam Sài Gòn để phát triển trong thời gian tới.

Một ông lớn BĐS khác cũng có động thái tiến quân sang khu Nam là Tập đoàn Đất Xanh khi mua lại 1 dự án BĐS của Công ty Thế Kỷ 21 tại khu vực quận 7 và phát triển thành dự án căn hộ với tên gọi mới là LuxCity. Dự án này đang được Đất Xanh ráo riết triển khai và đã bước đầu giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

một doanh nghiệp khá tên tuổi khác trong lĩnh vực BĐS mới đây cũng mua lại dự án lấn biển Cần Giờ, hay còn gọi là Dự án Saigon Sunbay. Dự án này nằm tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, Tp.HCM trước đây do Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Đây là dự án từng được ví von là "vịnh mặt trời", với ý tưởng táo bạo lấn biển Cần Giờ, biến 1 bãi biển nhiều sình lầy, bùn đất đen trở thành một vịnh nhỏ trong xanh.

Thực ra "vịnh mặt trời" bắt đầu khởi công từ năm 2007, nhưng do chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính khiến dự án bị “trùm mền” trong suốt nhiều năm qua. Sau khi về tay đại gia mới, giới chuyên môn kỳ vọng, dự án này sẽ nhanh chóng được vực dậy và có tác động mạnh đến thị trường BĐS khu Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, hàng loạt dự án khác tại khu vực Nam Sài Gòn cũng đang lên kế hoạch phát triển mạnh trong thời gian tới. Theo nguồn tin từ Công ty Địa ốc Phú Long, doanh nghiệp này cũng đang khẩn trương xây dựng và chuẩn bị tung ra thị trường giai đoạn 2 của Dự án căn hộ Dragon Hill Residences and Suites 2, đây là dự án thành phần trong Khu đô thị Daragon City. Bên cạnh đó, Phú Long cũng có ý định tung ra thị trường 2 khu biệt thự nằm trong Dự án Dragon City.

Ngay cả những dự án từng nằm yên ở khu vực này trước đây giờ cũng bắt đầu khởi động trở lại, chẳng hạn như Dự án Hưng Phát, huyện Nhà Bè; Dự án The verich 2 và 3 của Phát Đạt tại quận 7; một số dự án dọc Đại lộ Nguyễn Văn Linh như Khu đô thị Hạnh Phúc hay một dự án của Công ty Nam Long, huyện Bình Chánh…
BĐS khu Nam có tiềm năng rất lớn

Thực ra, trước đây khu Nam Sài Gòn cũng có một thời là tâm điểm của thị trường địa ốc, trong đó “đầu tàu” tạo sự phát triển cho khu vực này phải kể đến dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Vài năm trở lại đây, giới tạo lập BĐS lại có xu hướng nghiêng hơn về khu Đông do Thành phố có chủ trương đầu tư mạnh vào hạ tầng khu vực này. Tuy nhiên, khi chính sách mới xây dựng khu Nam Sài Gòn thành đặc khu kinh tế của Tp.HCM chính thức được duyệt mới là đòn bẩy để thị trường BĐS khu vực này phát triển trong thời gian tới.

Một số chuyên gia phân tích, việc Tp.HCM chọn khu Nam để thí điểm phát triển đặc khu kinh tế là do khu vực này đã và đang có những lợi thế đặc biệt, chẳng hạn như cảng Hiệp Phước với luồng Soài Rạp vừa mới được nạo vét, có thể đón tàu trọng tải 50.000 tấn ra vào, rồi những dự án "khủng" như Khu đô thị Nam Thành phố (2.900 héc-ta), Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cùng rất nhiều khu đô thị mới khác. Bên cạnh đó là các khu công nghiệp như Khu chế xuất Tân Thuận; Khu công nghiệp Hiệp Phước… đã hoạt động nhiều năm cũng là cơ sở ban đầu tốt cho đặc khu kinh tế phát triển.

Ông Trần Khánh Quang, TGĐ Công ty BĐS Việt An Hòa đánh giá, lợi thế lớn nhất của khu Nam Sài Gòn là có số dân tập trung đông đúc, quỹ đất để phát triển BĐS còn khá lớn, hàng loạt dự án BĐS khác đã định hình, chỉ cần có thêm đòn bẩy chính sách, các dự án này sẽ nhanh chóng được khởi động.

Ông Quang cũng cho biết, một lợi thế khác của khu Nam là cơ sở hạ tầng đã được phát triển khá mạnh trong thời gian qua, điển hình là các trục đường xương sống, như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Huỳnh Tấn Phát, đường Nguyễn Hữu Thọ hay cầu Phú Mỹ… đều đã được triển khai xây dựng.

Cùng chung quan điểm tiềm năng phát triển thị trường BĐS khu Nam còn rất lớn, tuy nhiên ông Bùi Cao Nhật Quân lại cho rằng, để thị trường BĐS phát triển, vẫn cần thiết có những chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ hơn nữa.

“Mặc dù thời gian qua, hạ tầng khu vực Nam Tp.HCM đã được phát triển, tuy nhiên nếu so với quy mô tiềm năng phát triển của khu vực này, sự gia tăng nhanh về dân số thì vẫn cần có sự phát triển hạ tầng đột phá hơn nữa”, ông Quân nói và dẫn chứng, hiện tại, một số tuyến đường kết nối giữa khu Nam với trung tâm Tp.HCM đã bắt đầu có tình trạng quá tải. Chẳng hạn, đường Nguyễn Hữu Thọ - tuyến đường kết nối từ huyện Nhà Bè sang khu vực quận 7, quận 4 với trung tâm thành phố hiện liên tục ách tắc. Tương lai gần, một khi thị trường địa ốc khu Nam phát triển mạnh mẽ, nếu không có chiến lược mở rộng, phát triển các tuyến đường kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng ách tắc về giao thông.


Theo Đầu tư chứng khoán

Các tin liên quan khác

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn