Địa ốc lo đối phó tỷ giá

Tuesday, August 25, 2015
Máy móc, nguyên vật liệu xây dựng sẽ đắt đỏ hơn khi tỷ giá tăng, gây áp lực không nhỏ tới thị trường bất động sản đang manh nha phục hồi.

Trước áp lực Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Mỹ có thể tăng lãi suất, trong hai tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần nới biên độ (từ +/-1% lên +/-3%) đồng thời tăng tỷ giá thêm 1%. Tính cả hai lần điều chỉnh đầu năm, tỷ giá trần hiện đã cao hơn 5%. Diễn biến này đang trở thành nỗi băn khoăn của không ít doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản.

Quản lý của Công ty cổ phần cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng chuyên về kết cấu thép cho biết, công ty xuất khẩu 40%, nhưng lại phải nhập khẩu 100% thép nguyên liệu, nên việc tỷ giá tăng đã gây bất lợi cho doanh nghiệp.

“Mỗi năm chúng tôi nhập khẩu khoảng 50.000 tấn thép từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, chỉ có tôn là mua trong nước, nên dự kiến sắp tới sẽ gặp khó khăn với tình hình tỷ giá tăng như thế này”, vị quản lý cho hay.

Đại diện Công ty Đại Dũng cho biết thêm, hiện công ty còn vật tư dự trữ đủ dùng cho khoảng 3 tháng tới. Còn sau đó, nếu tỷ giá vẫn căng thẳng, doanh nghiệp sẽ cố gắng thuyết phục phía nhà cung ứng cho chuyển đổi thanh toán từ USD sang euro hoặc đồng yen.


Tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp xây dựng, địa ốc lo dội chi phí. Ảnh: QH.

“Tính từ đầu năm đến nay, hợp đồng thi công mà chúng tôi nhận được có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ đồng. Nếu tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, Công ty sẽ cân nhắc chuyện tăng giá, nhưng ngành này hợp đồng công trình thường là thông qua đấu thầu nên cũng sẽ khó tăng”, vị này tiết lộ.

Lãnh đạo một công ty xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cho hay, mặt bằng chung tỷ giá chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các nhà thầu vì tất cả các hợp đồng xây dựng đều giao dịch bằng tiền đồng. Tuy nhiên, ở khâu nhập khẩu thiết bị xây dựng vì phải mua bằng USD nên sẽ khiến chi phí đội lên. Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, hiện công ty chưa tính toán mức độ thiệt hại nhưng đối với những đơn hàng nhập khẩu từ châu Âu hoặc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong khi đó, đối với các hoạt động cho thuê bất động sản, tỷ giá đôla tăng cũng khiến các giao dịch dùng ngoại tệ để tham chiếu giá trị hợp đồng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh chia sẻ, bộ phận chuyên trách bố trí nhà cho người nước ngoài thuê của doanh nghiệp đang chịu tác động trực tiếp từ khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ và điều chỉnh tỷ giá USD đi lên.

Cụ thể, giá đôla tăng, những giao dịch thuê nhà thông qua các tổ chức và cá nhân nước ngoài có xu hướng chốt giá trị giao dịch bằng tiền đồng và không còn dùng USD tham chiếu nữa. Một số hợp đồng thuê bị trì hoãn do quá trình thương lượng kéo dài hơn.

Trước đây, trung bình cứ 10 khách chỉ có 2-3 trường hợp yêu cầu ký hợp đồng thuê nhà tiền đồng, còn hiện nay con số này tăng lên 5-6 khách. Các hợp đồng thuê nhà chốt giá tham chiếu bằng USD đang giảm mạnh và các giao dịch bằng tiền đồng tăng từ 20% đến 30% lên thành 60%.

Theo ông Chánh, khách thuê nước ngoài cũng tính đến bài toán tiết kiệm chi phí. Hợp đồng thuê tham chiếu ngoại tệ trị giá 500-700 USD một tháng thì họ mất thêm 15-20USD, vị chi cả năm hụt khoảng 180-240 USD, bằng gần nửa tháng tiền nhà. Trong khi có không ít trường hợp ký hợp đồng thuê 1-2 năm trở lên. "Nếu chốt giá thuê bằng tiền đồng, không tham chiếu ngoại tệ, họ có thể tiết kiệm khoản chi phí này để tăng các dịch vụ tiện ích", ông Chánh giải thích.

Trong khi đó, một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại khu Nam TP HCM cho hay, điều ông lo ngại nhất chính là USD tăng giá gây áp lực lên tiền đồng, thổi bùng nguy cơ tăng lãi suất. "Hầu như doanh nghiệp địa ốc nào cũng phải vay, nếu USD căng thẳng thì sớm muộn gì tiền đồng và lãi suất sẽ bị tác động. Điều này có thể khiến chi phí tài chính tăng lên, ngành địa ốc càng thêm mệt mỏi", ông nói.

Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương đánh giá việc tỷ giá USD tăng cũng phần nào có tác động đến thị trường bất động sản về mặt chi phí. Giá đầu vào sẽ tăng khi các nguyên vật liệu nước ngoài nhập về Việt Nam phải mua bằng USD.

Theo Tiến sĩ Khương, về phía các cao ốc cho thuê, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các hợp đồng thuê văn phòng hay trung tâm thương mại đều thực hiện bằng tiền đồng. Tuy nhiên, các giao dịch này cũng có tham chiếu đến tỷ giá hối đoái giữa đồng đôla Mỹ và tiền đồng. Thông thường có sự điều chỉnh từ một đến 3 năm tùy theo quy định trong hợp đồng. Do vậy, có thể trong ngắn hạn sẽ chưa có sự điều chỉnh nhiều cho phần giá thuê, nhưng những hợp đồng mới sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Khương nhận định, về phía các dự án bất động sản cũng sẽ có tác động nhất định khi mà chi phí bất động sản có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, ở góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài thì đây lại là cơ hội tốt để tham gia vào thị trường Việt Nam khi mà tỷ giá USD có lợi cho họ.

Theo VnExpress

Các tin liên quan khác

Tags: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn