Thị trường BĐS bắt đầu có sự lệch pha

Monday, August 10, 2015
Cho đến hiện tại, có thể nói, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi do những tác động tích cực của nhiều yếu tố vĩ mô cả trong và ngoài nước.

Các phân khúc của thị trường BĐS dồi dào dự án được chào bán, tâm lý của người mua và các nhà đầu tư đang cao nên tỷ lệ hấp thụ của thị trường khá tốt. Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nhận định, đà hồi phục của thị trường BĐS đầu năm đang được tăng cường, đến nay, sự phục hồi này chắc chắn không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, HoREA cũng nhấn mạnh rằng, thị trường BĐS hiện đang có sự phát triển không đồng đều. Việc này thể hiện ở chỗ, phân khúc BĐS cao cấp đang có sự tăng trưởng rất mạnh, nhưng lại đang thiếu nguồn cung và sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán hợp với khả năng tài chính của người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị.

Chẳng hạn, chỉ với ba dự án cao cấp là Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), Masteri Thảo Điền và Sala (khu Đông) đã sắp cho ra thị trường gần 20.000 căn hộ cao cấp. Trong khi đó, các sản phẩm nhà có mức giá hợp túi tiền trên thị trường chỉ được đến trên đầu ngón tay!


Thị trường BĐS vẫn có sự lệch pha về cung - cầu

Nhiều chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực BĐS nhìn nhận, trong 3 năm trở lại đây, dòng vốn FDI đổ về Việt Nam có xu hướng chuyển dần sang ngành BĐS. Trong đó, các dự án nhà ở cao cấp vẫn là điểm đến nhiều nhất của dòng tiền này. Điều này cho thấy, thị trường đã bắt đầu xuất hiện sự lệch pha, không chỉ trong cung – cầu mà ở cả từng phân khúc của hị trường.

Dự báo của HoREA cho thấy, dự kiến nguồn cung trên thị trường BĐS từ nửa cuối năm 2015 đến năm 2017 sẽ tăng mạnh, đón nhận thêm khoảng 59.200 căn hộ mới của 90 dự án hiện có và các dự án sẽ triển khai, trong đó có rất nhiều dự án BĐS cao cấp.

Chỉ ra nguyên nhân trên, một chuyên gia phân tích cho hay, tính cạnh tranh của thị trường BĐS Việt Nam hiện vẫn còn thấp, nhất là đối với thị trường sơ cấp. Cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dư án để lựa chọn chủ đầu tư mặc dù đã được quy định khá rõ ràng, nhưng việc áp dụng trong thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý liên quan. Chính những điều này đang dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu hút vốn vào lĩnh vực BĐS tại các địa phương có tiềm năng.

“Điều mà tôi lo lắng là các chủ đầu tư đang quay lưng với NOXH. Do đó, để có câu trả lời cho vấn đề này không phải ngắn hạn là được. Chúng ta không tái cấu trúc thị trường BĐS mà là tập trung lại. Hãy chú ý rằng, 90% dân cư không có khả năng sống tại quận 2 hay quận 7 với mức giá như hiện tại. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để mua nhà giá rẻ. Chúng ta cần phải quan tâm đến những đối tượng không có đủ diều kiện mua nhà”, ông Marc Towsend, TGĐ công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết.

Nói về những lo ngại về hiện tượng “bong bóng” BĐS có dấu hiệu trở lại trong thời gian tới, HoREA cho rằng, hiện tượng "bong bóng" chỉ có thể xuất hiện khi hội tụ đủ các yếu tố sau: Nền kinh tế phát triển quá nóng; Có sự buông lỏng chính sách tín dụng, hạ chuẩn cấp tín dụng một cách dễ dãi; Có sự phát triển lệch pha trên thị trường BĐS, thường xảy ra tại phân khúc BĐS cao cấp; Có sự xuất hiện của các nhà đầu cơ và tình trạng găm hàng, làm giá, kích động, tạo nhiều đợt sóng đẩy giá ảo trên thị trường BĐS; Thiếu sự can thiệp hợp lý bằng các đòn bẩy kinh tế của Nhà nước vào thị trường BĐS.

Đối chiếu với các yếu tố nêu trên, hiệp hội này cho rằng, chưa có yếu tố nào hình thành rõ rệt trong thời gian gần đây nên hiệp hội nhận định rằng chưa có nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS trong năm 2015 và 2016.

Các tin liên quan khác

Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn