Mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà

Saturday, June 6, 2015
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật nhà ở (sửa đổi). Đáng chú ý, luật này đã chính thức cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây được xem là cú hích mạnh mẽ nhằm thúc đẩy thị trường bất động phát triển sôi động trở lại


Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật nhà ở, chính thức cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ảnh: Minh họa.

Kết từ 1-7-2015, khi Luật chính thức có hiệu lực, có 3 nhóm tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam: tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam là nội dung được bàn luận với nhiều ý kiến trái ngược trước khi Luật Nhà ở (sửa đổi) này được thông qua. Luật thông qua lần này, bên cạnh việc cho phép người nước ngoài mua nhà khá rộng rãi, đã có một số quy định về điều kiện kèm theo.

Theo quy định này, cá nhân nước ngoài mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam có các quyền về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước nhưng chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mại (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng khu vực, trong từng thời kỳ khác nhau và tại khu vực không bị hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; nếu là nhà ở riêng lẻ (nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn. Trường hợp được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (GCN), và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu. Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp GCN và được ghi rõ trong GCN này.

Từ năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 19 thí điểm cho người nước ngoài mua nhà. Nhưng từ đó đến nay, việc mở hay không mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn khá mung lung với nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, việc Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia, cho người nước ngoài sở hữu nhà sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, thu hút ngoại tệ và kích thích thị trường BĐS. Một khi thị trường BĐS sôi động trở lại sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết tốt an sinh xã hội. 

Các tin liên quan khác

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn